"Thức tỉnh" & những tâm đắc... (P.6)

(tiếp)

"Tôi đã nói rằng việc đầu tiên bạn cần làm là thức tỉnh, là nhìn nhận sự thật rằng mình không muốn thức tỉnh. Bạn không muốn mất những thứ - mà do bị thôi miên - bạn tin rằng chúng vô cùng quí báu đối với bạn, vô cùng quan trọng cho cuộc sống và cho sự sống còn của bạn. Điều thứ hai là bạn phải hiểu. Bạn phải hiểu rằng rất có thể mình đã nghĩ sai - và chính sự sai lầm này ảnh hưởng lên cuộc sống của bạn, biến cuộc sống của bạn thành một mớ bòng bong và trì giữ bạn trong cơn mê. Sự sai lầm ấy có thể là về tình yêu, về tự do, hạnh phúc, v.v... Và quả là chẳng dễ dàng gì để lắng nghe một ai đó dám truất phế chính những ý tưởng mà bạn vẫn hằng nâng niu, quí trọng."

"Thật không dễ lắng nghe, nhất là khi bạn cuồng nhiệt với một ý tưởng nào đó. Và ngay cả khi bạn không cuồng nhiệt, bạn cũng không dễ lắng nghe. Bạn luôn lắng nghe trong sự khống chế của chương trình của bạn, của điều kiện nầy điều kiện nọ, của tình trạng bị thôi miên. Bạn thường giải thích điều người ta nói bằng thứ ngôn ngữ của bạn, ngôn ngữ của một kẻ bị thôi miên, bị lệ thuộc vào chương trình này điều kiện nọ."

"Chúng ta không muốn nhìn, bởi nếu nhìn - ta sợ phải thay đổi. Vâng, chúng ta không muốn nhìn. Bạn sợ nếu nhìn thì mình để vuột mất cuộc đời mà mình đang gắn vào đó một cách rất chênh vênh. Bởi đó để thức tỉnh, cái cần nhất không phải là năng lực, sức mạnh, sự trẻ trung hay một bộ óc thông minh tuyệt vời. Điều cần nhất là thái độ sẵn sàng tiếp thu cái mới. Càng mở rộng lòng - chứ không trốn chạy - trước sự thật thì bạn càng có nhiều cơ may để thức tỉnh. Bạn đang sẵn sàng ở mức nào? Bạn có bao nhiêu bản lĩnh để dứt khoát với những gì mà mình vốn quyến luyến? Bạn có hay dị ứng với bất cứ điều chi mới mẻ?"

"Không phải chúng ta sợ hãi cái mình không biết. Người ta không thể sợ cái mà họ không biết. Không bao giờ. Điều bạn thật sự sợ đó là phải đánh mất những gì mình đã biết. Vâng, đó mới chính là nỗi sợ của bạn."

"Sự khác biệt giữa chúng ta và những người khác - chẳng hạn các phạm nhân - hệ tại ở khía cạnh “làm gì” hay “không làm gì”, chứ không phải ở khía cạnh “là gì”. "

(còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét